Câu hỏi thường gặp


Trang thông tin ngaydautien.vn ra đời nhân kỷ niệm Sinh Hoạt Y Khoa Pháp – Việt lần thứ 20. Thông tin y khoa được bảo trợ bởi Hội Tim mạch học Việt Nam.

 

Tổng quan về bệnh tăng huyết áp

Để tự giúp mình nhớ uống thuốc đều đặn, bạn có thể chủ động tìm ra biện pháp dễ nhớ nhất cho bản thân như sau:

  • Uống thuốc vào giờ nhất định hàng ngày - gắn với một công việc hàng ngày
  • Để thuốc ở chỗ dễ lấy, dễ nhìn
  • Đặt lời nhắc, chuông báo nhắc uống thuốc trên điện thoại

Nhờ người thân trong gia đình nhắc nhở uống thuốc

  • Chia thuốc hàng ngày vào hộp đựng thuốc để tiện theo dõi
  • Ghi chép, đánh dấu vào lịch theo dõi uống thuốc
  • Ăn rau tươi thay vì dưa cải ngâm hay dưa cải muối, cà muối
  • Hạn chế chấm thêm muối tiêu, muốt ớt, nước mắm, nước tương, tương ớt hoặc cho thêm nước sốt vào món ăn.
  • Nếu ăn mì gói, nêm gói nêm vừa đủ và hạn chế húp nước súp mì gói.
  • Nếu đi ăn các món có nước bên ngoài, hạn chế húp các loại nước súp (nước lèo) có muối cao, ăn cái bỏ bớt nước súp
  • Khi đi ăn ngoài, lúc gọi món ăn dặn đầu bếp nấu nhạt

Hiện nay, theo nghiên cứu của Bộ Y tế (2015), trung bình một người Việt Nam ăn/uống khoảng 9,8 gram/ ngày, cao gấp hai lần khuyến nghị của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) là dưới 5gram/ ngày.

Lượng muối ăn/uống vào cơ thể có thể đến từ mắm, khô, muối nêm nếm, nước chấm, mì chính/bột ngọt, bột canh… được nêm vào khi nấu nướng hằng ngày hoặc có trong thức ăn chế biến sẵn. Do đó, hãy lưu ý việc giảm muối ở cả 2 giai đoạn: Chọn thực phẩm và khi nấu nướng.

Muối hay Natriclorua (NaCl) là chất vô cơ được cấu thành bởi hai nguyên tố hóa học: Natri và Chlorua, là một gia vị không thể thiếu trong thức ăn hàng ngày của tất cả mọi người. Natri là nhân tố chính trong việc tạo nên vị mặn của muối. Ion Natri là chất điện giải có vai trò điều hoà áp lực thẩm thấu và cân bằng thể dịch, cân bằng acid-base, duy trì điện thế tế bào và dẫn truyền xung động thần kinh.

Thói quen ăn mặn gây dư thừa Natri, từ đó tăng tính thấm, tăng trương lực thành mạch, gây ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi và gây ra tăng huyết áp. Ăn mặn sẽ uống nhiều nước, làm tăng áp lực cho thận; uống nước nhiều cũng khiến cơ thể mất nhiều Canxi dẫn đến bệnh thận và loãng xương.

Lượng Natri trong khẩu phần ăn hàng ngày một phần có nguồn gốc từ tự nhiên (có sẵn trong thực phẩm), một phần chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối và các gia vị mặn khi chế biến, chấm thức ăn và nêm thêm gia vị. Chỉ 1/4 lượng tiêu thụ hàng ngày của chúng ta là muối thêm vào thức ăn khi nấu ăn tại nhà, phần còn lại nằm ẩn trong các loại thực phẩm mua về, kể cả bánh mì, nước sốt, súp và một số ngũ cốc, bánh kẹo v.v...

Do Natri tạo vị mặn nên chúng ta hay cho rằng muối là Natri. Trên thực tế, trong 5g muối có 2000mg Natri. Chế độ ăn giảm muối phải hiểu là giảm lượng Natri trong tất cả các nguồn đưa vào cơ thể chứ không chỉ giảm lượng muối ăn. Vì vậy, chúng ta cũng nên có thói quen đọc thành phần để biết lượng Natri chứa trong các thực phẩm đóng gói sẵn, từ đó cân nhắc chọn lựa cho phù hợp./.

Đối với người mắc THA, quản lý chế độ ăn uống rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp.

Để có chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, người THA nên tuân thủ nguyên tắc sau:

  • Ăn nhạt, giảm lượng muối ≤ 5g/ngày (khoảng 1 muỗng cà phê muối/ngày, hoặc tốt nhất giảm 1/2 lượng muối và mắm cho thêm vào thức ăn hàng ngày)
  • Giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có nhiều trong thịt đỏ, thịt heo, phô mai, bánh ngọt, bánh mì, bánh quy, dầu dừa, dầu cọ...
  • Ăn vừa đủ lượng tinh bột (carbohydrate) lành mạnh, có nhiều trong các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám...
  • Ăn nhiều rau, củ, quả
  • Ăn đa dạng tất cả nhóm thực phẩm

Với người chưa phát hiện mắc THA, cần chủ động duy trì lối sống lành mạnh sau đây:

  • Ăn nhạt (lạt), giảm lượng muối ≤ 5g/ngày (khoảng 1 muỗng cà phê muối/ngày, hoặc tốt nhất giảm 1/2 số muối và mắm cho thêm vào thức ăn hàng ngày)
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà…
  • Hạn chế uống rượu, bia: không nên uống rượu bia quá 2 lần/ tuần.
  • Đối với nam giới mỗi ngày không uống quá 330ml bia (khoảng 1 lon bia) hay 20-30ml (khoảng 1 ly nhỏ hoặc 1 chun nhỏ) rượu mạnh 45o
  • Đối với phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới. Uống nhiều rượu cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp, nếu bạn đang điều trị THA.
  • Tập thể dục khoảng 30-45 phút từ 5-7 ngày trong tuần
  • Tránh lo âu, căng thẳng quá mức
  • Kiểm soát cân nặng, giảm vòng eo (dưới 80cm đối với Nữ, dưới 90cm đối với Nam)

Với người đã có THA và đang điều trị:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh và biện pháp dự phòng như trên
  • Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: 3 ĐÚNG - Đúng liều, Đúng lượng, Đúng thời gian

THA tác động trực tiếp đến tình trạng của não, thận, tim, mắt và mạch máu. Ảnh hưởng của THA thường chậm rãi và không có dấu hiệu cụ thể nhưng theo thời gian lại dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

 

Một số biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như:

  • [Não]: Đột quỵ, Tai biến mạch máu não
  • [Tim]: Suy tim, Nhồi máu cơ tim
  • [Thận]: Suy thận
  • [Mắt]: Giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa
  • [Mạch máu]: Tổn thương mạch máu

Người mắc THA và đang điều trị cần tuân thủ các nguyên tắc như sau:

  • Khám bệnh theo đúng hẹn của bác sĩ
  • Uống thuốc theo đúng đơn
  • Báo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ kịp thời điều chỉnh chế độ điều trị
  • Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên
  • Kiên trì theo đuổi điều trị, như chế độ dùng thuốc, chế độ ăn uống, chế độ tập luyện và thay đổi lối sống

Có 5 bước cơ bản cần thực hiện khi đo HA [link với video cách đo huyết áp bằng máy đo điện tử]

  • Bước 1: Ngồi ghế tựa thẳng lưng
  • Bước 2: Để chân chạm sàn và không bắt chéo chân
  • Bước 3: Tay để ngửa trên bàn. Đặt khuỷu tay ngang mức tim
  • Bước 4: Quấn bao đo vào cánh tay đủ chặt. Bờ dưới của bao đo cách nếp lằn khuỷu tay khoảng 1 - 2 cm, tương đương với 1 đốt ngón tay
  • Bước 5: Bật máy đo, ngồi yên và giữ tư thế đo trong suốt thời gian máy thực hiện đo huyết áp

Theo dõi chỉ số huyết áp là điều nên làm với tất cả mọi người, không kể độ tuổi, giới tính, quốc tịch. THA phát triển âm thầm, không có biểu hiện điển hình nhưng biến chứng THA lại vô cùng nguy hiểm. Đo huyết áp là cách đơn giản, chính xác để theo dõi sức khỏe huyết áp

Với người bình thường, việc đo huyết áp định kỳ 3-6 tháng 1 lần là phương pháp đơn giản và duy nhất để phát hiện THA.

Với người đã mắc THA, việc Đo huyết áp thường xuyên, mỗi ngày vào một giờ nhất định, là cách nhanh, chính xác để phát hiện những thay đổi bất thường của huyết áp. Thói quen đơn giản này lại có hiệu quả rất lớn trong việc chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của người mắc THA

THA thường không có triệu chứng rõ ràng, ngay cả trong những trường hợp nặng

Cách nhận biết bạn mắc THA là:

  • Đo huyết áp thường xuyên để biết chỉ số huyết áp hiện tại của bạn
  • Nếu chỉ số huyết áp của bạn cao hơn bình thường, hãy đến cơ sở y tế để xác định chắc chắn bạn có THA hay không

Khoảng 90% THA ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là biết nguyên nhân (THA thứ phát).

  1. Trường hợp không xác định được rõ nguyên nhân cụ thể (còn gọi là THA nguyên phát) bao gồm :
  • Có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên
  • Thường xuyên căng thẳng và lo âu quá mức
  • Có thói quen: ăn mặn/ uống nhiều rượu bia/ hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà
  • Ít vận động hoặc ít tập thể dục
  • Yếu tố gia đình (gia đình có người mắc THA)
  • Có các yếu tố về rối loạn chuyển hóa (Đái tháo đường/ Rối loạn mỡ máu/ Thừa cân, béo phì)

 

  1. Trường hợp xác định được nguyên nhân cụ thể (còn gọi là THA thứ phát), chỉ chiếm 10% các trường hợp THA bao gồm:
  • Bệnh thận cấp hoặc mạn tính (viêm cầu thận cấp/mạn, viêm thận kẽ, sỏi thận, thận đa nang, thận ứ nước, suy thận)
  • U tủy thượng thận
  • Bệnh về tuyến giáp/ cận giáp và tuyến yên
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Chứng rối loạn hô hấp trong lúc ngủ/ ngưng thở khi ngủ
  • Hẹp eo Động mạch chủ, bệnh Takayasu
  • Và nhiều bệnh lý khác

THA vẫn được xem là “kẻ giết người thầm lặng” bởi 3 lý do. Thứ nhất, bất kỳ ai cũng có thể mắc (không kể độ tuổi, giới tính, quốc tịch). Thứ hai, THA không có biểu hiện đặc trưng để cảnh báo người mắc. Thứ 3, THA dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng sống của người mắc khi không được điều trị và kiểm soát tốt như:

  • [Não]: Đột quỵ, Tai biến mạch máu não
  • [Tim]: Suy tim, Nhồi máu cơ tim
  • [Thận]: Suy thận
  • [Mắt]: Giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa
  • [Mạch máu]: Tổn thương mạch máu

Tim liên tục bơm máu đi khắp cơ thể thông qua hệ thống mạch máu. Khi lưu thông, máu sẽ tạo ra một áp lực lên thành mạch máu. Áp lực này gọi là huyết áp. Huyết áp được thể hiện bằng 2 con số khi đo bằng máy đo huyết áp

(Ví dụ: A/B = 130/82)

 

Một người được xem là mắc THA (hay còn gọi là cao huyết áp hoặc tăng xông) khi:

  • Số trên (A: gọi là huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg
  • Và/hoặc số dưới (B: gọi là huyết áp tâm trương hoặc huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg